Lemon - Chanh
“Lemon” thường được dịch sang Tiếng Việt là “chanh”, tuy nhiên khi cần dịch “quả chanh” sang Tiếng Anh từ mà bạn cần dùng có thể không phải là lemon mà là lime.
Lemon
Tiếng Anh được giảng dạy như một môn học bắt buộc ở Việt Nam từ Lớp 6, tuy nhiên nhiều nhiều học sinh được học Tiếng Anh ngay từ Lớp 1, thậm chí sớm hơn. Từ năm học 2022 - 2023, môn Tiếng Anh sẽ triển khai bắt buộc với học sinh từ Lớp 3 đến Lớp 5.
Lemon là một từ được dạy khá sớm trong chương trình học Tiếng Anh ở Việt Nam, và khá dễ học do cách viết và cách đọc tương đồng với Tiếng Việt. “Lemon” thường được dịch là “chanh vàng” hoặc “chanh tây”, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là “quả chanh” hoặc dịch gọn là “chanh”.
Tuy nhiên chanh vàng không được trồng nhiều ở Việt Nam mà thường được nhập khẩu từ nước khác như Nam Phi. Do không phải cây trồng bản địa nên chanh vàng ít được sử dụng trong ẩm thực Việt Nam mà thường dùng để chế biến các món ăn hoặc thức uống theo công thức nước ngoài.
Chanh
Việt Nam là nước trồng nhiều chanh không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có tiềm năng xuất khẩu dù sản lượng xuất khẩu hiện tại chưa cao. Tuy nhiên “quả chanh” được trồng ở Việt Nam không phải quả chanh vàng (lemon) như hình minh hoạ đầu bài viết mà là chanh xanh.
Lime là từ Tiếng Anh để chỉ quả chanh xanh hay chanh ta. Dù phần lớn chanh được dùng ở Việt Nam là chanh xanh, từ “lime” lại không phổ biến như “lemon”, dẫn đến việc một bộ phận không nhỏ người học Tiếng Anh cho rằng “lemon” mang nghĩa là “chanh” cho cả chanh vàng và xanh.
Việc nhầm lẫn này có thể do nhiều nguyên nhân: Tiếng Anh được dịch từ từ sang từ thay vì khái niệm, nội dung sách không được bản địa hoá, ngoại ngữ được dạy quá sớm nên khó để giải thích những vướng mắc về ngôn ngữ, hoặc do việc nhầm lẫn đã diễn ra quá lâu và bởi số đông nên việc giải thích theo cách đúng trở nên khó khăn cho số ít biết về vấn đề tưởng chừng là nhỏ này.
Tuy nhiên những lý do nêu trên chỉ là suy đoán và trải nghiệm cá nhân của tác giả.
Kết luận
Biết không chính xác về một điều gì đó tai hại hơn gấp nhiều lần việc không biết gì về nó, vì khi nghĩ mình đã biết và chấp nhận một điều gì đó là chân lý thì việc học lại là rất khó. Không ai có hiểu biết toàn diện, và không ai luôn đúng, do đó việc nuôi dưỡng một tư duy mở để tiếp thu những ý kiến trái với định kiến có sẵn là rất quan trọng cho việc phát triển bản thân.
Lần tới khi bạn ăn phở hãy tự hỏi miếng chanh trên bàn là lemon hay lime. Hi vọng vài năm sau, nội dung bài viết này sẽ không còn nhiều ý nghĩa.