Ngoại ngữ ở Việt Nam và khung tham chiếu CEFR
Ngoại ngữ là một trong những chủ để được nhiều quan tâm ở Việt Nam. Tuy nhiên những câu chuyện xung quanh ngoại ngữ thường về điểm số hoặc chứng chỉ mà ít khi về năng lực ngoại ngữ.
Ngoại ngữ phổ biến ở Việt Nam
Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất được giảng dạy trong chương trình phổ thông ở Việt Nam. Bên cạnh đó, vì nhiều lý do khác nhau như du học, công việc, hoặc sở thích, một số ngoại ngữ khác cũng được nhiều người quan tâm. Theo khảo sát của Q&Me Vietnam Market Research năm 2021 với 728 người tham gia, 5 ngoại ngữ được học nhiều nhất ở Việt Nam là Tiếng Anh, Tiếng Nhật, Tiếng Trung, Tiếng Hàn, và Tiếng Pháp. Tiếng Anh chiếm vị trí áp đảo với hơn 86% người tham gia đang học, và 81% cho biết họ dành nhiều thời gian nhất để học ngôn ngữ này (trong trường hợp học nhiều ngôn ngữ cùng một lúc).
Khung tham chiếu CEFR
Common European Framework of Reference for Languages (CEFR), hay Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu, là bộ hướng dẫn để mô tả trình độ ngoại ngữ của người học được dùng ở các nước Châu Âu. CEFR là khung tham chiếu, không phải một chứng chỉ ngoại ngữ, được tạo ra với mục đích giúp cho việc đánh giá năng lực ngoại ngữ bởi các trung tâm giáo dục hoặc nhà tuyển dụng dễ dàng và đồng bộ cho tất cả các ngôn ngữ ở Châu Âu. CEFR chia năng lực ngoại ngữ thành 6 cấp độ A1 (mới bắt đầu), A2 (sơ cấp), B1 (trung cấp), B2 (trung cấp nâng cao), C1 (cao cấp), và C2 (thành thạo). Bản mô tả chi tiết từng cấp độ được dịch sang Tiếng Việt có thể tìm trên Wikipedia Tiếng Việt.
CEFR đánh giá năng lực qua 4 hoạt động ngôn ngữ: tiếp thu (nghe và đọc), biểu đạt (nói và viết), tương tác (nói và viết), và truyền đạt (biên dịch và phiên dịch). Việc quy đổi các chứng chỉ ngoại ngữ ra khung tham chiếu CEFR, đặc biệt là các ngôn ngữ không thuộc Châu Âu, không hoàn toàn chính xác và chỉ mang tính chất tham khảo. Tuy nhiên sử dụng chung một khung tham chiếu để mô tả năng lực ngôn ngữ sẽ giúp cho việc trao đổi thêm thuận tiện.
Chứng chỉ ngoại ngữ
Mỗi ngôn ngữ có nhiều kì thi và chứng chỉ khác nhau được cấp bởi những tổ chức khác nhau. Dưới đây là 5 kì thi năng lực ngôn ngữ của 5 ngoại ngữ phổ biến nhất ở Việt Nam và bảng quy đổi tương đương với khung tham chiếu CEFR (hình đầu bài viết).
Tiếng Anh - IELTS
International English Language Testing System (IELTS), hay Hệ Thống Kiểm Tra Năng Lực Ngoại Ngữ Quốc Tế, đáng giá năng lực Anh Ngữ qua bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, và Viết. IELTS không chia thành nhiều kì thi theo cấp độ mà năng lực ngoại ngữ được đánh giá bằng số điểm đạt được. Qui tắc chuyển đổi từ điểm số IELTS sang thanh đo CEFR có thể tham khảo vào hình ở đầu bài biết, dữ liệu dựa vào hướng dẫn của Hội Đồng Anh
Tiếng Nhật - JLPT
Japanese-Language Proficiency Test (JLPT) (Tên gọi theo Tiếng Nhật: 日本語能力試験), hay Kì Thi Năng Lực Tiếng Nhật, đánh giá năng lực Nhật Ngữ với hai kỹ năng Nghe và Đọc. Kì thi JLPT gồm năm cấp độ N1, N2, N3, N4, và N5 với N1 là cấp độ năng lực cao nhất và N5 là cấp độ năng lực thấp nhất. Do JLPT không đánh giá kỹ năng biểu đạt (Nói và Viết) việc chuyển đổi giữa JLPT và CEFR chỉ mang tính chất tham khảo. Qui tắc chuyển đổi từ JLPT to CEFR được tham khảo ở jpn-study.com
Tiếng Trung - HSK
Hanyu Shuiping Kaoshi (HSK) (Tên gọi theo Tiếng Trung: 汉语水平考试), hay Kì Thi Năng Lực Tiếng Trung, đánh giá năng lực Hán Ngữ qua ba kỹ năng Nghe, Đọc, và Viết. Kỹ năng Nói được đáng giá riêng qua kỳ thi HSKK. Ki thi HSK được chia làm 6 cấp độ với Cấp độ I là năng lực thấp nhất và Cấp độ VI là năng lực cao nhất. Sáu cấp độ của HSK được xem là tương đương với 6 cấp độ của CEFR. Tuy nhiên một số đánh giá cho rằng Cấp độ VI của HSK chỉ tương đương với trình độ C1. Thông tin được tham khảo từ Wikipedia - Hanyu Shuiping Kaoshi
Tiếng Hàn - TOPIK
Test of Proficency in Korean (TOPIK) (Tên gọi theo Tiếng Hàn: 한국어능력시험), hay Kì Thi Năng Lực Tiếng Hàn, đánh giá năng lực Tiếng Hàn qua ba kỹ năng Nghe, Đọc, và Viết tuỳ vào cấp bậc. TOPIK I, chỉ bao gồm phần Nghe và Đọc, được chia thành 2 cấp độ phụ Cấp độ 1 và Cấp độ 2. TOPIK II, gồm cả ba phần Nghe, Đọc, và Viết, được chia thành 4 cấp độ phụ Cấp độ 3, 4, 5, và 6. TOPIK không bao gồm phần kiểm tra cho kỹ năng Nói. Sáu cấp độ của TOPIK có thể xem tương đương với 6 cấp độ của CEFR. Nguồn tham khảo Institute for Basic Science - Living in Korea.
Tiếng Pháp - DELF/DALF
Diplôme d’études en langue française (DELF) và Diplôme approfondi de langue française (DALF) là hai loại chứng chỉ đánh giá năng lực Tiếng Pháp. DELF và DALF đánh giá năng lực Pháp Ngữ qua bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, và Viết tuỳ vào từng cấp độ. DELF là chứng chỉ năng lực Tiếng Pháp được chia thành 4 cấp độ A1, A2, B1, và B2 tương đương với khung tham chiếu CEFR cho cấp bậc cùng tên gọi. DALF là chứng chỉ năng lực Tiếng Pháp nâng cao gồm 2 cấp độ C1 và C2.